3 dự án CAO TỐC giúp kinh tế Tây Nguyên tăng tốc
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Nha Trang – Buôn Mê Thuột, Đăk Nông – Bình Phước khi hình thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên.
3 dự án CAO TỐC giúp kinh tế Tây Nguyên tăng tốc
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Nha Trang – Buôn Mê Thuột, Đăk Nông – Bình Phước khi hình thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên.
Tây Nguyên rộng hơn 54.500 km2, hơn 5,8 triệu người (thống kế 2019), gồm Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông. So với các khu vực khác, vùng còn nhiều khó khăn khi mức sống của người dân thấp, thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng phát triển chậm.
Tuy nhiên, Tây Nguyên có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, với 2 triệu ha đất bazan màu mỡ (chiếm 60% diện tích đất bazan cả nước), đang phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, trà. Nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, kết nối Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, các dự án cao tốc đang được triển khai đầu tư, xây dựng.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với tổng chiều dài hơn 201 km qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án được chia thành ba đoạn đầu tư gồm Dầu Giây đến Tân Phú (Đồng Nai); Tân Phú đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc đến Liên Khương.
Đoạn Dầu Giây đến Tân Phú dài 61 km, điểm đầu giao với quốc lộ 1, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú. Đường quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, với tổng mức đầu tư 7.369 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Dự kiến khởi công trong năm nay, đoạn từ xã Phú Trung, huyện Tân Phú đến đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc dài 66 km (55 km thuộc địa phận Lâm Đồng). Đường sẽ được xây 4 làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP), có vốn của nhà nước.
Đoạn còn lại dài 73,9 km, có điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc và điểm cuối tại cao tốc Liên Khương – Prenn, huyện Đức Trọng. Dự án với tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, theo phương thức PPP và được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một (2022 – 2025) xây 4 làn ôtô, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Giai đoạn hai (sau năm 2030) mở rộng lên 8 làn, tốc độ 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Dự kiến hoàn thành trước 2025, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ kết nối hệ thống giao thông giữa Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, giảm áp lực cho quốc lộ 20, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực.
Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, kinh tế chủ đạo của Đăk Lăk dựa vào xuất khẩu nông, lâm sản. Hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách đến – đi của địa phương chủ yếu bằng đường bộ, chiếm khoảng 95%. Việc đầu tư xây dựng cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được kỳ vọng sẽ giúp kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch.
Tuyến đường dài 117 km (32,7km thuộc địa phận Khánh Hòa, qua Đăk Lăk khoảng 84 km) có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26 và quốc lộ 1A (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (huyện Krông Pắc, Đăk Lăk). Trên cao tốc dự kiến xây 56 cầu và ba hầm.
Giai đoạn đầu, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được xây 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m, bố trí các điểm khẩn cấp. Sau đó, mở rộng lên bốn làn hoàn chỉnh có làn khẩn cấp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện từ 2023 và hoàn thành năm 2027.
Nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, Đăk Nông là địa phương đang trên đà phát triển khi tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, năm 2021. Tuy nhiên, tỉnh chỉ có phương thức vận tải đường bộ và đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch kết nối đi các tỉnh, thành.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, cao tốc Đăk Nông – Bình Phước dài 212 km (110 km thuộc Đăk Nông, 102 km qua Bình Phước). Điểm đầu tuyến kết nối cao tốc Hồ Chí Minh (tại Đăk Lăk), giao cắt quốc lộ 28 (Đăk Nông) và điểm cuối nối đường Hồ Chí Minh ở huyện Chơn Thành (Bình Phước).
Cao tốc được đề xuất quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước kiến nghị đầu tư tuyến đường trước năm 2030, theo hình thức PPP, có sự tham gia của nhà nước. Hiện dự án chưa được đơn vị liên quan dự toán tổng vốn thực hiện.
Khi hình thành, cao tốc Đăk Nông – Bình Phước sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ hai tỉnh biên giới giáp Campuchia về TP HCM, kết nối hướng về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Nguồn: vnexpess.net
Xem thêm